Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những người thầy thuốc dám dấn thân

VHO-Sau 9 giờ tiến hành ca phẫu thuật, sau 10 ngày bệnh nhân đã tự hô hấp, ăn uống đã khẳng định lần đầu tiên ở Việt Nam, ca ghép đa tạng tim - thận cho một người bệnh đã được thực hiện thành công. Đây là một bước tiến mới của các y, bác sĩ ngành ghép tạng.

Kỷ niệm ngày Thầy thuốc Việt Nam 27.2: Những người thầy thuốc dám dấn thân - Anh 1

 Các ê kíp phẫu thuật lên tới 80 người tiến hành ca phẫu thuật kéo dài 9 giờ

Thách thức nhưng quyết tâm thực hiện

Bệnh nhân được cứu sống là anh T.T.Q, 37 tuổi, cư trú ở tỉnh Gia Rai, bị mắc bệnh cơ tim giãn, suy tim và rối loạn nhịp nặng, dẫn đến suy thận giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo liên tục trong 5-6 năm nay và thường xuyên điều trị cấp cứu ở các trung tâm tim mạch lớn ở TP.HCM và Huế do các cơn nhịp nhanh cấp tính. Tất cả các biện pháp điều trị nội khoa không mang lại kết quả, nên anh đã được các bác sĩ hướng dẫn đi mổ ghép cả tim và thận.

Tuy biết đây là kỹ thuật rất phức tạp và chưa phổ biến ở Việt Nam, song niềm mong mỏi được sống khỏe mạnh hơn của anh và mẹ già đã luôn thôi thúc anh tìm kiếm cơ may. Giữa năm 2022, anh được giới thiệu đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức. Sau khi đánh giá kỹ, hội đồng chuyên môn của bệnh viện đã thống nhất chỉ định thực hiện ghép đồng thời cả tim và thận cho bệnh nhân với nguồn tạng hiến từ người cho chết não.

Sau 6-7 tháng chờ đợi, cho tới một ngày đầu tháng 2.2023, cơ may đã đến với anh khi có một bệnh nhân bị chết não do chấn thương sọ não rất nặng, đã được gia đình đồng ý hiến đa tạng để cứu các ca bệnh nặng khác. GS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức chia sẻ, bệnh nhân có thời gian hơn 10 năm mắc bệnh lý kéo dài nên tình trạng chung của người bệnh rất kém, nhiều lần bệnh nhân phải cấp cứu và có nguy cơ tử vong. “Tuy ghép tim và ghép thận là các kỹ thuật rất thường quy tại bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, song ghép cả 2 tạng cùng lúc vẫn là một thách thức lớn, đòi hỏi đội ngũ thầy thuốc phải có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Do đó, trước bệnh nhân này, các anh em ở Trung tâm Ghép tạng và Trung tâm Tim mạch đã đề nghị Bệnh viện tổ chức hội chẩn 2-3 lần để đánh giá xem liệu có thể ghép được hay không? Với khả năng trình độ của y bác sĩ có thể ghép và có thể thành công không? Cuối cùng Bệnh viện vẫn quyết tâm thực hiện”, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức cho hay.

Mặc dù trong y học cho phép những tỉ lệ rủi ro nhất định nhưng với những trường hợp ghép tạng thì các bác sĩ luôn cố gắng để đảm bảo ca phẫu thuật gần như thành công tuyệt đối. Đặc biệt, gia đình người hiến tạng cũng là trường hợp tương đối đặc biệt, khi em trai của nạn nhân bị tai nạn chết não cũng có bệnh lý cần phải ghép cùng lúc tim và phổi. Nhưng người em này đã không thể chờ được nguồn hiến tạng và mất cách đây 2 tháng. “Đó cũng chính là lý do mà chúng tôi băn khoăn, nếu đã làm thì phải thành công vì tâm nguyện của người hiến là muốn tạng người anh chết não mang lại cuộc sống cho những người khác thay vì người nhà mình đã mất. Đây là câu chuyện xúc động và một nghĩa cử hết sức cao đẹp”, GS Trần Bình Giang cho biết thêm.

Diễn biến sau mổ tuy khá nặng nề, cả về chức năng tim ghép cũng như thận ghép, song đều nằm trong dự kiến và sự chuẩn bị của các thầy thuốc, bệnh nhân không phải chạy EMO mà chỉ phải chạy thận nhân tạo một lần. Tới nay là ngày thứ 10 sau ghép, các chức năng của tim và thận đã phục hồi gần như bình thường, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy ăn uống và giao tiếp, không cần các phương tiện hỗ trợ đặc biệt về tim mạch và hô hấp. Bệnh nhân sẽ tiếp tục được điều trị thêm trong vài tuần theo các phác đồ chung sau ghép tạng.

Dám bước, dám đi và đã đến đích

Đây là ca thứ tư ghép đa tạng tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, nhưng các ca trước là ghép gan - thận, hầu như không ảnh hưởng lắm đến huyết động vì chức năng tim vẫn bình thường nên việc bơm máu đến các tạng là bình thường nên không có nhiều thách thức. Còn ở trường hợp này, bệnh nhân đã suy hoàn toàn tim nên khi ghép tim các y bác sĩ phải tính toán đến mọi trường hợp có thể xảy ra, nhân lực chia làm 3 ê kíp của Trung tâm tim mạch, Trung tâm ghép tạng và gây mê hồi sức, lên tới 80 người, chưa kể bộ phận chụp chiếu, xét nghiệm hỗ trợ. Thậm chí phải chuẩn bị sẵn một bệnh nhân khác để sẵn sàng tiến hành ghép nếu ghép cho anh Q không thành công, tuyệt đối không lãng phí nguồn tạng hiến.

Theo bác sĩ Trần Bình Giang, quá trình mổ kéo dài 9 giờ đồng hồ với các ê kíp đông người như vậy, thì việc phối hợp phải rất chặt chẽ, ăn ý. Trong quá trình thực hiện, dù không có nhiều đột biến xảy ra nhưng để có điều đó, các y bác sĩ, kỹ thuật viên đã phải tính toán chính xác từng chi tiết như khi ghép tim vào phải có khoảng thời gian làm cho quả tim hoạt động tốt. Hay có những lúc chúng ta phải giữ cho quả tim không hoạt động quá mạnh mà chỉ đập ở mức độ vừa phải nhưng phải đảm bảo cấp máu đủ để cho quả thận. Và sau mổ thì vai trò của bác sĩ gây mê, hồi sức là rất quan trọng, tính toán lượng thuốc làm sao để đảm bảo chức năng của quả tim, thận dần dần trở lại ổn định. “Rất may đây là trường hợp đầu tiên nhưng chúng tôi đã thành công và hết sức tự hào với đội ngũ thầy thuốc và cán bộ thầy thuốc đã nỗ lực hết mình vì bệnh nhân. Bệnh nhân sẽ sớm được ra viện”, bác sĩ Giang thông tin.

Đặc biệt, Giám đốc Trần Bình Giang cũng nhắc đến một vấn đề gặp phải trong quá trình phẫu thuật là người hiến tạng chỉ còn duy nhất một quả thận (do thận trái bị vỡ trong tai nạn) nhưng mạch lại hơi ngắn. Bình thường sẽ là một thách thức rất lớn nhưng rất may Bệnh viện Việt Đức lại có ngân hàng mô đạt tiêu chuẩn tốt nhất cả nước nên đã lưu trữ sẵn những đoạn mạch máu của những người hiến mô - tạng trước đó. Và các bác sĩ đã kịp thời sử dụng đoạn mạch máu khác để nối dài mạch máu của quả thận này và góp phần vào kết quả thành công của ca ghép. Như vậy trong cơ thể anh T.T.Q không chỉ có tim và thận của người bị tai nạn mà còn có sự hiện diện của một phần cơ thể của người hiến trước đó.

Nói thêm về ca phẫu thuật, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức bổ sung: Dù ca ghép được thực hiện với số nhân lực lớn, nhưng tất cả đều diễn ra nhịp nhàng, cân chỉnh chính xác từng quy trình, “nhường” nhau thực hiện. Hơn nữa, bệnh nhân hiến tạng chỉ lấy được 2 tạng ở cách xa nhau nên quy trình lấy tạng cũng khác so với các ca trước, thay vì bơm khoảng 20 lít dịch để lấy tạng thì bệnh nhân này chỉ cần bơm 3-4 lít dịch (mỗi lít giá hàng triệu đồng), đã đơn giản hóa và tiết kiệm được chi phí. “Điều quan trọng hơn cả là ý nghĩa thành công của ca mổ đầu tiên, triển khai những kỹ thuật đầu tiên là khẳng định sự dấn thân của các y bác sĩ, kỹ thuật viên: Dám bước, giảm đi và đã đến để lần sau có các ca mổ tương tự thì không “sợ” nữa mà đã có kinh nghiệm hơn và sự chuẩn bị tốt hơn. Là tiền đề để thực hiện những ca ghép “đầu tiên” khác, có thể là ghép tim - phổi nhằm kéo dài cuộc sống của bệnh nhân hơn so với ghép riêng 1 tạng và tiết kiệm kinh tế cho bệnh nhân hơn vì có thuốc dùng được cho cả 2 tạng”, PGS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh. 

 QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc